“Cuộc di dân” lịch sử ấy mang lại nhiều ý nghĩa lớn lao cho vùng đông địa phương và cũng vô tình biến những cư dân làng chài thành tỷ phú. Nhưng rồi…!
Cây cầu Cửa Đại nối liền TP.Hội An với các huyện biển Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành thuộc tỉnh Quảng Nam đã chính thức vận hành hơn một năm qua. Giao thông thông thoáng, kinh tế được đẩy mạnh. Từ đây, những con đường rãi nhựa, bê tông thẳng tăm tắp được kéo về tận các thôn, làng. Dãy hành lang kinh tế phía Đông được thúc đẩy, resort, biệt thự, khách sạn, chuỗi du lịch… ùn ùn kéo về miệt biển thay cho những cồn cát cằn khô năm nào.

Một lão nông xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên kể, năm 2008, quê hương lão đổi thay chóng mặt. Trên làng dưới xã, ai cùng bàn tán chuyện di dời dân cư, chuyện sẽ có nhiều dự án du lịch “khủng” đổ về đây. Cuộc sống dân cư yên ả bỗng chốc xô bồ theo dòng dư luận.

Câu chuyện mà ông kể thực chất bắt nguồn từ Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp dân cư ven biển Quảng Nam. Theo đó, trên 18.000 hộ dân, gần 73.000 nhân khẩu của 15 xã thuộc 4 huyện nằm trong vùng dự án. Tổng nguồn vốn đầu tư cho “cuộc di dân” này dự kiến gần 3.7 nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn khác nhau.

Ông Hai tranh thủ gieo trồng trên khoảng đất của dự án. Tiền tỷ lão cũng có nhưng chẳng biết làm sao cho hợp lý.

Người dân xã Duy Hải cũng như hầu hết 14 xã còn lại, họ đều là nông dân, ngư dân với mặt bằng chung còn khó khăn so với các địa phương khác. Trong ký ức, họ còn nhớ như in từ năm 2008, khi quy hoạch rục rịch, từng đoàn cán bộ năm lần bảy lượt đi đi về về. Nhưng chính thức triển khai thì có lẽ phải đến giai đoạn 2014 – 2016, với hàng loạt dự án có tên có tuổi rõ ràng như Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (15.000ha), Khu đô thị Nam Hội An (650ha), Khu nghỉ dưỡng Dacotex Hải Âu Xanh (18.7ha)…

Người dân còn chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã chen chân nhau lên xã, lên huyện nhận tiền đền bù từ các dự án. “Hai lúa” bỗng hóa tỷ phú, có người sau một đêm đã cầm hàng chục tỷ trong tay mà vẫn run run không dám tin. “Con số quá lớn với chúng tôi. Ai ai cũng hồ hởi, vui mừng. Sau vì cầm nhiều tiền quá cũng bất an. Thực chất đây là vùng quê nên đất đai ai cũng rộng thênh thang, tiền đền bù giải tỏa nhiều. Hồi đó, bà con gặp nhau đều nghe câu “nhận bao nhiêu tỷ”, “xây nhà mấy trăm triệu”…”, ông Huỳnh Văn Cho (SN 1964), trú khu Tây Sơn Đông, xã Duy Hải kể lại.

Cũng có người kể với chúng tôi rằng, tiền núi ăn mấy cũng hết. Tiền nhiều, những tỷ phú chân đất về khu tái định cư thi nhau xây nhà, dựng cửa; có người chia cho con cho cháu. Nhưng đến nay, chẳng ai dám tin những tỷ phú ấy đang ngồi bó gối, nơm nớp nỗi lo sinh nhai.

“Tôi nhận 4 tỷ đồng tiền đền bù. Sau xây nhà với cho con cái một ít xong thì còn dư 400 triệu gửi ngân hàng. 400 triệu với tôi vẫn là số tiền nhiều khủng khiếp. Nhưng rồi về khu tái định cư không còn đất canh tác, không công ăn việc làm nên cứ rút dần rút mòn tiền để ăn”, ông Cho ngao ngán nói.

Cũng vì lo lắng chẳng có đất đai canh tác mà đến nay khu tái định cư Tây Sơn Đông dẫu được đầu tư hoàng tráng điện đường bề thế nhưng chỉ mới khoảng 20 hộ dân đến ở. Tại khu tái định cư Sơn Viên, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên trông càng não lòng hơn. Đối nghịch lại con đường nhựa, với với hệ thống hạ tầng đèn điện hiện đại là lác đác vài ba căn nhà mới mọc lên. “Người ta không chịu đến đây tái định cư”, ông Nguyễn Văn Hai (SN 1965), trú xã Duy Nghĩa chua chát.

Lão Hai kể, lão được đền bù hơn 1 tỷ đồng. Ngày nhận tiền lão chẳng dám tin. Nhưng rồi, tiền tỷ đã cầm nhưng nhà cửa đất đai không còn. Lão tính đi tính lại rằng sẽ mua 1 miếng đất ở khu tái định cư rồi xây cái nhà dù dè sẻn hết đát cũng mất 450 triệu đồng. Nhưng lô đất chính chỉ đủ ở, nếu muốn nuôi trồng con gà con heo, lão phải mua thêm lô phụ với giá 180 triệu đồng/lô.

Tính là vậy nhưng lão chẳng dám mua đất. Hiện giờ, lão cố tận dụng khoảng đất cũ khu dự án chưa động thổ đến để tranh thủ trồng hoa màu ngắn ngày. Còn nhà ở thì lão lợp tạm căn lều ở phần đất người quen. Tiền tỷ lão để trong ngân hàng mà chẳng biết tiêu sao cho hợp lý?!

Quy hoạch tổng thể dân cư Quảng Nam đã thực hiện được gần 10 năm. Thành tựu, ý nghĩa nó mang lại là rất lớn lao, thúc đẩy sự phát triển mọi mặt của địa phương. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn vướng mắc mà đơn cử là chuyện sinh kế của người dân thuần nông, thuần biển.

Không chỉ ông Hai, ông Cho mà hàng trăm cư dân khác thuộc diện giải tỏa cũng nơm nớp lo kế sinh nhai khi ruộng vườn đã mất. Cùng một nỗi lo nhưng có người đánh liều vào khu tái định cư rồi đi làm thuê, làm mướn; có người ở lì lại nhà cũ cày cuốc ruộng đất trong diện giải tỏa vì già yếu không đi nổi. Người dân nói với chúng tôi rằng cứ như trước kia đất đai thênh thang, canh tác cả năm không xuể rồi nuôi thêm con gà, đi biển ấy thế mà vẫn có đồng ra, đồng vào. Nay, đùng một cái nắm cục tiền rồi ngồi bó gối. Chưa kể, người miền quê vốn trọng tình, trọng nghĩa nhưng trong quá trình giải tỏa, nhận tiền cũng xảy ra đôi ba tranh cãi, xóm giềng mất lòng khiến họ rất buồn.

Chủ tịch UBND xã Duy Hải Nguyễn Văn Thống cho biết, địa phương bị giải tỏa trắng 1.000ha để nhường đất cho dự án. Đã có 163ha được thu hồi, 178 hộ dân cũng được di dời lên khu tái định cư mới. Ông Thống cũng thừa nhận, hiện có bộ phận lớn người dân vẫn chưa chịu dời lên nơi mới bởi vấn đề sinh kế, việc làm.

“Hiện người dân trong xã có 2 nguồn thu nhập chính là từ tiền bồi thường giải tỏa và làm các nghề liên quan đến biển, nông nghiệp. Sau khi giải tỏa vùng này không còn đất sản xuất nữa, vì vậy, ngoài tiêu dần tiền đền bù thì nhiều người trung niên, lớn tuổi không còn nguồn thu khác”, ông Thống nói.

Một lãnh đạo của xã Duy Nghĩa cho biết thêm, về lâu dài, đối với chuyện sinh kế người dân vùng ven biển thì những dự án nói trên sẽ hỗ trợ giúp đỡ, tạo công ăn việc làm. Nhưng thực tế, những hứa hẹn còn quá xa vời vì vướng trình độ, tuổi tác… của lao động. Vì thế, tương lai an sinh của những cư dân ven biển vẫn là vấn đề nan giải. Để giải quyết được các vấn đề trên cũng như giúp đỡ, hỗ trợ người dân vượt qua nỗi lo sinh kế cần có sự chung tay, thống nhất từ chính quyền Quảng Nam và các chủ dự án.

Nguồn: Người Đưa Tin

Thông Tin Liên Hệ:

Ms. ĐẶNG THANH THIỆN – QUẢN LÝ DỰ ÁN

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.