Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng: “Lo lắng của nhà báo và các nhà khoa học về những hệ lụy là rất chính đáng. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư khi nộp hồ sơ thì người ta không dựa trên những lo lắng này mà người ta dựa trên pháp lý!”

Như tin đã đưa, sáng 19/7, UBND TP Đà Nẵng họp báo thường kỳ giữa năm 2018, do Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng chủ trì. Tại cuộc họp báo, PV Infonet phản ánh ở hội nghị phản biện xã hội ngày 17/7 đối với phương án tổ chức giao thông hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý đã có nhiều ý kiến không đồng tình việc UBND TP Đà Nẵng vừa phê duyệt quy hoạch 1/500 dự án xây dựng tòa tháp căn hộ – khách sạn 29 tầng trên đường Bạch Đằng nối dài chạy dọc bờ Tây sông Hàn.

Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Vũ Quang Hùng trả lời tại cuộc họp báo ngày 19/7

PV: Tại hội nghị phản biện nêu trên, nhiều ý kiến đề nghị trong khi chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu cho tình trạng ùn tắc ở phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý thì đừng gây thêm áp lực lên hai nút giao thông này. Trong khi việc cho phép xây dựng khách sạn 29 tầng trên đường Bạch Đằng nối dài, sẽ làm gia tăng đáng kể phương tiện, nhất là xe du lịch cỡ lớn, làm tăng nguy cơ ùn tắc trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho biết lâu nay đã kiên trì kiến nghị Đà Nẵng không đề cập đường Bạch Đằng nối dài là đường giao thông, mà đó cần phải là tuyến đường cảnh quan, đường đi bộ, xe đạp… Và bằng mọi cách tối đa để chuyển đổi toàn bộ vệt đất sát bờ sông thành công viên, kết hợp với cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi hình thành không gian văn hóa – nghệ thuật, không gian “điểm đến” cho du lịch. Như vậy việc cho phép khách sạn 29 tầng mọc lên ở đây có hợp lý?

Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng: Đây là dự án của Tập đoàn Sun Froniter (Nhật Bản). Không riêng gì tòa nhà này mà hiện nay Đà Nẵng đang có chủ trương rà soát tất cả các công trình cao tầng trên địa bàn. Theo quan điểm của Sở Xây dựng, nhà cao tầng được rà soát là những nhà cao tầng xây chen trong đô thị và chưa có quy hoạch, còn các nhà cao tầng đã được quy hoạch bài bản, đã có thiết kế đô thị thì chúng ta phải cho triển khai.

Nếu đặt chúng ta vào vai của nhà đầu tư, họ mua đất, họ triển khai mà chúng ta dừng lại thì cũng rất khó cho họ. Nên chúng ta phải đứng cả hai vai để xem xét. Nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý triển khai song song với việc xây dựng tòa nhà này, có khả năng cả hai công trình sẽ hoàn thành cùng thời gian. Do đó chúng ta không nhất thiết phải dừng các nhà cao tầng đã có quy hoạch, đã có thiết kế đô thị!

PV: Chúng tôi muốn hỏi cụ thể về dự án khách sạn 29 tầng và các dự án cao tầng khác sẽ mọc lên trên đường Bạch Đằng nối dài, đã được các chuyên gia cảnh báo sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông ở hai nút trọng điểm phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý.   

Các chuyên gia cũng nhắc lại, theo quy hoạch TP Đà Nẵng phê duyệt năm 2002 thì toàn bộ khu vực từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Tiên Sơn, và từ đường 2/9 ra bờ sông Hàn, là “Công viên trung tâm TP”. Nhưng giờ thì từ cầu Trần Thị Lý đến Đài Tưởng niệm đã biến thành khu nhà hàng tiệc cưới và đây là tác nhân gây ùn tắc nghiêm trọng trên đường 2/9 và nút phía Tây cầu Trần Thị Lý vào giờ cao điểm, đặc biệt là những ngày có tiệc cưới.

Chúng ta đã thấy hậu quả trước mắt như vậy, tại sao bây giờ lại tiếp tục cho phép những khách sạn, khu căn hộ cao tầng mọc lên trên đường Bạch Đằng nối dài, lo ngại tương lai sẽ dẫn tới tình trạng như dãy nhà hàng tiệc cưới trên đường 2/9? Quy hoạch không phải là bất biến. Hiện Đà Nẵng đang tiến hành điều chỉnh quy hoạch chung, dự kiến năm 2019 sẽ phê duyệt. 

Tại hội nghị phản biện ngày 17/7 vừa qua, phần lớn các ý kiến đề nghị chờ điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng, trong đó có quy hoạch GTVT, được phê duyệt thì hãy bàn phương án thiết kế tổ chức giao thông hai nút phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý thế nào cho phù hợp. 

Nói cách khác, quy hoạch chung lẫn quy hoạch GTVT đều đang chờ điều chỉnh, nhưng TP lại phê duyệt cho dự án cao tầng ở đây. Nếu sau này nó không phù hợp với quy hoạch điều chỉnh được phê duyệt thì sao? Như vậy, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 dự án khách sạn Sun Froniter 29 tầng trên đường Bạch Đằng nối dài liệu có hợp lý?

Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng: Lo lắng của nhà báo và của Hội đồng khoa học khi làm hai nút giao thông phía Tây cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý về tình trạng tắc đường trên đường Bạch Đằng nối dài là lo lắng rất chính đáng. Tuy nhiên đối với nhà đầu tư khi nộp hồ sơ thì người ta không dựa trên những lo lắng này mà người ta dựa trên pháp lý.

Pháp lý ở đây là chủ đầu tư đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, kể cả tĩnh không cũng đều đáp ứng. Cái thứ hai là người ta đã được thẩm tra, thẩm định. Cái thứ ba là người ta đã được đánh giá tác động môi trường và PCCC. Vậy thì không có lý gì chúng ta không cấp phép xây dựng ở đây cả. Chúng ta phải đứng cả hai vai.

Báo cáo với nhà báo là trường hợp này Sở Xây dựng đã từng trả hồ sơ vì cũng có lo lắng giống như nhà báo. Tuy nhiên nhà đầu tư có viết đơn kêu cứu, và qua xem xét tất cả các tình trạng pháp lý thì mình buộc phải cấp phép cho họ, bởi họ không sai gì cả!

PV: Ông vừa nói Sở Xây dựng cũng lo lắng dự án khách sạn 29 tầng sẽ gây ra những hệ lụy trong khu vực. Vậy tại sao Sở lại chỉ đứng trên góc độ quyền lợi của nhà đầu tư để cấp phép cho họ mà không đứng trên góc độ quyền lợi của cộng đồng, của người dân TP này trong hiện tại và tương lai?

Nếu đã thấy dự án này, kéo theo đó là hàng loat dự án khác, trong tương lai sẽ lặp lại những sai lầm mà trước đây và hiện nay Đà Nẵng đã và đang gặp, thì tại sao ngay bây giờ TP không dừng việc cấp phép lại? Hiện tại nhà đầu tư không sai, nhưng liệu có phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới và những dự phóng cho tương lai hay không? 

Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng: Về phát triển đô thị, có thể ví đô thị giống như một cơ thể, còn hạ tầng là quần áo cho cơ thể đó. Không vì quần áo chật quá mà chúng ta bắt cơ thể này phải dừng lại, không được phép phát triển. Đó là nguyên tắc phát triển đô thị từ xưa đến nay.

Đáng chú ý, trước khi trả lời các câu hỏi của PV Infonet thì ông Vũ Quang Hùng đã trả lời PV báo Dân sinh về việc thu hồi 65 lô đất phía Đông Nam Đài Tưởng niệm: “Theo Luật Quy hoạch, Thủ tướng chỉ phê duyệt quy hoạch chung TP Đà Nẵng, còn thẩm quyền của TP là phê duyệt quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. 

Đối với các khu đã phê duyệt quy hoạch chi tiết thì theo Luật Quy hoạch, 3 năm rà soát một lần (đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu thì 5 năm rà soát một lần). Sau khi rà soát thấy có những khu vực đã quy hoạch nhưng cần thiết phải điều chỉnh để phục vụ lợi ích công cộng thì chúng ta làm. Và thẩm quyền điều chỉnh là của TP!”.

Chốt lại vấn đề, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói: “Chúng ta tạo điều kiện cho nhà đầu tư đóng góp vào sự phát triển chung của TP, nhất là Đà Nẵng là một TP du lịch. Nhưng quy hoạch không phải cứ cố định từ trước đến nay mà xã hội thay đổi, biến đổi thì chúng ta cũng có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tiễn chung!”.

Nguồn: Infonet

 

Thông Tin Liên Hệ:

Ms. ĐẶNG THANH THIỆN – QUẢN LÝ DỰ ÁN

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.