Hủy rồi mời thầu chóng vánh

Phản ánh với PV, các nhà thầu cho rằng họ không kịp trở tay với các quyết định dồn dập từ phía Ban QLDA. Đặc biệt thời điểm ra các quyết định lại đúng dịp cận kề Tết Nguyên đán.

Ngày 14/01/2020 (3 tháng sau khi ký hợp đồng trúng thầu), liên danh SC5-KCON-HPC-Đại Việt bất ngờ nhận được thông báo mời họp của Ban QLDA về việc hủy kết quả trúng thầu. Cuộc họp ngày 16/1/2020 do ông Lương Thạch Vỹ, PGĐ Ban chủ trì được triển khai sau khi Ban nhận được văn bản đề nghị của ông Đặng Việt Dũng, PCT thường trực UBND TP Đà Nẵng về việc làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến nhà thầu Đại Việt.

Tại cuộc họp, các nhà thầu đã có ý kiến không chấp thuận cơ sở hủy thầu, đồng thời mong muốn Ban QLDA xem xét tiếp tục thực hiện theo hợp đồng. Cũng trong ngày 16/1/2020, nhà thầu Đại Việt gửi đơn cứu xét đến lãnh đạo TP Đà Nẵng trong đó cung cấp các cơ sở làm bằng chứng cho hồ sơ dự thầu.

Một ngày sau, ông Lương Thạch Vỹ cùng lúc ký 2 văn bản quan trọng. Thứ nhất là thông báo huỷ kết quả trúng thầu trên và tổ chức đấu thầu lại. Ngoài ra ông cũng ký quyết định phê duyệt huỷ kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu trên với lý do tất cả hồ sơ dự thầu không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu.

Ý kiến của Sở Xây dựng Đà Nẵng được cho là ‘mấu chốt’ để Đà Nẵng quyết định hủy kết quả gói thầu ngàn tỷ

Các văn bản, quyết định này được cho là quá dồn dập khiến doanh nghiệp không trở tay kịp. Ngoài ra, việc Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng lập tức mời thầu lại gói ngàn tỷ này (chỉ 4 ngày sau khi có QĐ hủy thầu) khiến dư luận đặt câu hỏi về tính khả thi. Theo phân tích từ các luật sư, nhà thầu Đại Việt có quyền khiếu nại ra tòa án đề đảm bảo quyền lợi hợp pháp. Giả sử nhà thầu này được tuyên thắng kiện, trong khi ngày 20/2 tới đây dự kiến Ban QLDA sẽ mở thầu chọn nhà thầu mới thì sự việc được cho là sẽ càng phức tạp hơn nhiều.

Ai chịu thiệt hại sau quyết định hủy thầu?

Theo hồ sơ, từ ngày 15/10/2019 khi Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng ký hợp đồng thực hiện gói thầu ‘Thiết kế, cung cấp thiết bị và xây lắp công trình thuộc dự án nhà máy nước Hòa Liên’ (EPC) với các nhà thầu có giá trị trúng thầu 1.031.333.945.323 đồng, đến ngày tổ chức họp công bố hủy kết quả thầu (ngày 16/01) là thời gian đã trải qua 03 tháng. Nhà thầu cho hay đã triển khai nhiều hạng mục theo quy định, và việc hủy thầu đột ngột sẽ khiến họ thiệt hại lớn.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở Đà Nẵng trong mùa khô sắp tới được dự báo sẽ tái
diễn trong bối cảnh công trình nhà máy nước Hòa Liên vẫn đang lùm xùm chưa hẹn
ngày khởi công

Cụ thể, theo tiến độ hợp đồng được ký kết thì gói thầu thực hiện trong thời gian  450 ngày. Ngay sau khi hợp đồng được ký kết, Ban QLDA đã yêu cầu các nhà thầu phải hoàn thành công tác thiết kế trước ngày 30/11. Chính vì thế, sau khi ký hợp đồng các nhà thầu đã tập trung mọi nhân lực, nguồn lực tài chính để triển khai công việc nhằm đảm bảo thi công đúng theo hợp đồng đã được ký kết.

“Đơn cử như trong hạng mục thiết kế có giá trị là 12 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thành xong chuẩn bị trình cho Ban QLDA nhưng giờ hủy đột ngột thì ai chịu trách nhiệm thanh toán phần này. Một số nhà thầu khác đã triển khai việc thuê mặt bằng, mua vật liệu chuẩn bị tập kết tại dự án để triển khai thi công.

Các thiệt hại khác gồm nguồn nhân lực, tài chính để bảo lãnh thầu, bảo lãnh hợp đồng, lãi vay ngân hàng của các nhà thầu tham gia gói thầu trên. Chưa kể trong thời gian tập trung thực hiện gói thầu này, các nhà thầu hầu như bỏ hết cơ hội tham gia ở những dự án khác và việc làm ở những địa phương khác”, đại diện phía nhà thầu cho hay.

Điều dư luận quan tâm là nếu như Ban QLDA ra quyết định hủy kết quả trúng thầu thì liệu Ban có chịu trách nhiệm trước những thiệt hại mà các nhà thầu đã bỏ ra ở thời điểm này hay không?

Luật sư Trần Hậu (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) phân tích: “Theo quy định của pháp luật, mọi hành vi, quyết định hủy thầu, thay đổi lại kết quả đấu thầu vì lợi ích của cá nhân, doanh nghiệp khác sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi và quyết định của mình; đồng thời hiện nay luật quy định rõ nếu việc hủy thầu trái pháp luật thì phải bồi thường toàn bộ thiệt hại gây ra theo quy định tại khoản 10 Điều 73, khoản 9 Điều 74 Luật đấu thầu năm 2013”.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng cũng đã không ít việc lùm xùm liên quan đến việc doanh nghiệp khởi kiện chính quyền. Nếu như các sở, ban ngành hay chính quyền Đà Nẵng cho rằng việc kiện là thể hiện sự văn minh nhưng khi có quá nhiều doanh nghiệp đi kiện chính quyền thì câu chuyện về năng lực quản lý cần được đặt ra.

Nguồn: Thời Báo Chứng Khoán Việt Nam

Thông Tin Liên Hệ:

Ms. ĐẶNG THANH THIỆN – QUẢN LÝ DỰ ÁN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.