Dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn

Tháng Chín 21, 2020

alodatdanang

Tin tức Nhà Đất

0

Triển vọng của nền kinh tế trong trung-dài hạn, sức tiêu dùng mạnh mẽ cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư… đang tạo sức hút để dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn.

Qua trao đổi ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều nước được dự báo tăng trưởng âm, thì Việt Nam vẫn có mức tăng trưởng dương trong năm 2020. Triển vọng của nền kinh tế trong trung – dài hạn, sức tiêu dùng mạnh mẽ của thị trường cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư… đang tạo sức hút để dòng vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn.

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Thưa ông, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 8 tháng qua có những điểm gì đáng lưu ý?

Việt Nam được coi là hình mẫu thành công trong việc kiểm soát, ngăn chặn Covid-19 và nằm trong số những quốc gia đầu tiên tái mở cửa nền kinh tế ở trong nước một cách toàn diện.

Dẫu vậy, kinh tế Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1,8%, mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Về phía cung, tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm từ 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 0,6% trong cùng kỳ năm nay, do lượng khách du lịch nước ngoài giảm 56%, khiến mức đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm từ 2,5 điểm phần trăm ở cùng kỳ năm trước xuống 0,2 điểm phần trăm trong 6 tháng năm nay. Du lịch nội địa bắt đầu phục hồi vào tháng 5 và tháng 6, nhưng bị chững lại do Covid-19 quay trở lại vào tháng 7.

Trong khi đó, tăng trưởng khu vực nông nghiệp cũng giảm một nửa, từ 2,3% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 1,2% trong cùng kỳ năm nay.

Tăng trưởng ngành công nghiệp và xây dựng giảm mạnh từ 8,9% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống còn 3% cùng kỳ năm nay. Tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu giảm từ 11,2% xuống 5%, trong khi sản lượng các ngành khai thác khoáng sản giảm 5,4%.

Chỉ số nhà quản lý mua hàng, với giá trị dưới 50, dự báo sự thu hẹp sản xuất trong tương lai. Sản lượng trong tháng 8 và các đơn đặt hàng mới thậm chí còn giảm nhiều hơn so với tháng 7.

Tăng trưởng chậm lại được phản ánh qua mức thu nhập và chi tiêu thấp hơn. Tăng trưởng tiêu dùng tư nhân giảm từ 7,2% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống chỉ còn 0,2% trong 6 tháng đầu năm 2020. Doanh số bán lẻ trong tháng 8 giảm 2,7% so với tháng trước đó và giảm 0,02% trong 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2019…

Trong Báo cáo Cập nhật triển vọng phát triển châu Á (ADO) vừa công bố, ADB đã điều chỉnh giảm mức tăng trưởng của Việt Nam xuống còn 1,8% cho năm 2020. Ông nhận xét gì về mức tăng trưởng này?

Suy thoái toàn cầu và các điều kiện trong nước yếu đi, đặc biệt là tình trạng thất nghiệp xấu đi và tiêu dùng suy giảm đáng kể, đã gây tổn hại cho nền kinh tế nặng nề hơn dự kiến. Triển vọng kinh tế còn bị đe dọa bởi sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới kể từ cuối tháng 7 vừa qua. Do đó, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 được điều chỉnh giảm từ 4,8% trong Báo cáo ADO 2020 và 4,1% trong Báo cáo ADO bổ sung (công bố tháng 6/2020) xuống 1,8% trong Báo cáo ADO cập nhật này.

Tuy vậy, mức tăng trưởng 1,8% vẫn là khá tích cực, đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều nước trên thế giới được dự báo tăng trưởng âm trong năm nay.

Triển vọng kinh tế của Việt Nam trong thời gian trước mắt sẽ có nhiều khó khăn. Song, Việt Nam đang thể hiện khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn hầu hết các nền kinh tế tương tự và triển vọng của nền kinh tế trong trung – dài hạn vẫn tích cực. Các nền tảng kinh tế của Việt Nam vẫn chưa bị suy giảm và Việt Nam có triển vọng được hưởng lợi từ các xu hướng thương mại, đầu tư và sản xuất toàn cầu hiện nay.

Với mức dự báo như vậy, ông có nhận định gì về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2020 và 2021?

Tôi cho rằng, dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn vì Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng với sức tiêu dùng mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cải thiện đáng kể môi trường đầu tư.

Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam, kinh tế Trung Quốc phục hồi và Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện. Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã công bố danh sách 15 doanh nghiệp Nhật Bản sẽ chuyển hoạt động sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam. Phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị

y tế; các doanh nghiệp còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn…

Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thực hiện thành công định hướng thu hút FDI chất lượng cao?

Như tôi vừa nói, nhiều tập đoàn của Nhật Bản đang có dự định đầu tư vào Việt Nam, nhưng cũng có một số tập đoàn lại có ý định rút khỏi Việt Nam vì nhiều lý do.

Việt Nam đang tiến lên nấc thang phát triển mới, nên đã qua thời điểm thu hút FDI bằng các ưu đãi về tài khóa liên quan đến thuế và đất đai. Thay vào đó, Việt Nam nên tập trung ưu tiên phát triển môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, với kết cấu hạ tầng và các điều kiện về hậu cần (logistics) tốt, cũng như cải thiện chất lượng lao động tay nghề cao và năng lực quản trị tốt. Đây là những yếu tố quan trọng để thu hút FDI chất lượng cao.

Ngoài ra, không nên chỉ tập trung thu hút “đại bàng” – những nhà đầu tư lớn, mà nên thu hút “chim sẻ” – các nhà đầu tư vừa và nhỏ, vì họ có thể đáp ứng các yêu cầu của Việt Nam về bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, tạo việc làm và thúc đẩy liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Trong nhiều trường hợp, “chim sẻ” có thể kết nối với các doanh nghiệp trong nước tốt hơn cả “đại bàng”.

Nguồn: BaoDauTu

Thông Tin Liên Hệ:

Ms. ĐẶNG THANH THIỆN – QUẢN LÝ DỰ ÁN

Post by alodatdanang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.