THI CÔNG ĐƯỜNG VÀNH ĐAI PHÍA TÂY:Vướng giải phóng mặt bằng

Công trình tuyến đường vành đai phía tây, đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan được khởi công giai đoạn 1 trong tháng 10-2018 với kỳ vọng trở thành trục đường kết nối và động lực phát triển kinh tế – xã hội của khu vực tây bắc huyện Hòa Vang nói riêng và thành phố nói chung. Tuy nhiên, tuyến đường này đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng thi công.

Tuyến đường vành đai phía tây sẽ kết nối với đường Hòa Phước – Hòa Khương trở
thành tuyến đường huyết mạch từ các xã miền núi ra biển.

Rút ngắn khoảng cách, kiến tạo phát triển

Công trình tuyến đường vành đai phía tây đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn-Túy Loan trong giai đoạn 1 được đầu tư nối từ đường Hòa Phước – Hòa Khương và cầu vượt quốc lộ 14B qua xã Hòa Khương, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Liên (huyện Hòa Vang) và đấu nối với tuyến đường chính dẫn vào Khu Công nghệ thông tin tập trung (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang).

Tuyến đường vành đai phía tây thành phố Đà Nẵng đoạn từ quốc lộ 14B đến đường Hồ Chí Minh được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Theo quyết định phê duyệt đầu tư của UBND thành phố Đà Nẵng, tuyến đường này nằm trong định hướng chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông đô thị của thành phố Đà Nẵng.

Qua đó, kết nối với tuyến đường vành đai phía nam đang dần hoàn thành và tuyến đường vành đai phía bắc đã hoàn thành, tạo nên một hệ thống đường vành đai tương đối hoàn chỉnh gắn kết Cảng Liên Chiểu hình thành trong tương lai, Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung với các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên. Đồng thời, việc đầu tư tuyến đường đi qua các xã Hòa Ninh, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương (huyện Hòa Vang) sẽ giúp hoàn thiện hệ thống giao thông đô thị, kết nối mạng lưới giao thông thành phố Đà Nẵng với các tuyến quốc lộ 1A, quốc lộ 14B, đường Hồ Chí Minh.

Người dân huyện Hòa Vang bày tỏ phấn khởi tuyến đường được xây dựng, khu vực tây bắc và trung tâm hành chính của huyện sẽ được kết nối và hướng ra biển. “Do đường ra biển xa xôi, cách trở nên người dân đang rất trông đợi ngày khánh thành tuyến đường Hòa Phước-Hòa Khương nối từ quốc lộ 14B đến quốc lộ 1A và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa để chạy thẳng một mạch ra biển. Bây giờ thành phố mới triển khai xây dựng thêm đường vành đai phía tây nên càng tạo thêm cơ hội và điều kiện thuận lợi cho người dân ở các xã miền núi đi xuống biển”, ông Trần Văn Mười (người dân ở thôn Phú Sơn Tây, xã Hòa Khương) thể hiện niềm vui với chúng tôi.  

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Đặng Thương cho rằng, tuyến đường vành đai phía tây không chỉ thúc đẩy sự phát triển mạnh về kinh tế – xã hội ở khu vực tây bắc huyện Hòa Vang, mà còn là tuyến giao thông huyết mạch và trục động lực phát triển quy hoạch của thành phố. Tuyến đường này sẽ giúp các xã miền núi phát triển mạnh về nông nghiệp, lâm nghiệp và kết nối lên huyện Đông Giang, Tây Giang của tỉnh Quảng Nam một cách thuận lợi.

“Người dân của huyện rất phấn khởi khi thành phố đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai phía tây, đặc biệt là rút ngắn khoảng cách lưu thông, trao đổi hàng hóa và thuận tiện khi đi đến khu vực phát triển du lịch mạnh của thành phố”, ông Đặng Thương nhìn nhận.

Vướng mặt bằng thi công

Qua tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các nhà thầu đang triển khai 10 mũi thi công trên toàn tuyến công trình đường vành đai phía tây, trong đó có 4 mũi thi công 4 cầu và 6 mũi thi công đường. Thế nhưng, do gặp vướng mắc về giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư nên nhiều mũi đang thi công chậm, thậm chí có một số vị trí bị người dân cản trở thi công.

Tại khu vực thi công cầu vượt quốc lộ 14B, Liên danh Tổng Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1 và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn tập kết phương tiện, máy móc, làm lán trại… đã 10 ngày. Cầu vượt có 3 nhịp với tổng chiều dài 120m, rộng 15m, tĩnh không là 5,5m (khoảng cách từ mép dưới cầu vượt đến mặt đường quốc lộ 14B); đường dẫn lên cầu có tổng chiều dài 324m, nối từ đoạn cuối đường Hòa Phước – Hòa Khương đến đoạn đầu của tuyến đường vành đai phía tây. Mặt đường bên trái tuyến quốc lộ 14B tại khu vực nút giao thông với chiều dài 481m được mở rộng và đấu nối tạm đường công vụ rộng 7m vào phía bên phải tuyến của quốc lộ 14B. Theo đại diện liên danh nhà thầu, hiện mới chỉ được bàn giao mặt bằng ở vị trí xây dựng 2 mố cầu, còn 2 trụ cầu thì chưa có mặt bằng.

Cụ thể, công trình cầu Lâm Viên đang còn vướng 32 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Cầu Hội Phước và cầu vượt đường ĐT.602 cũng đang gặp khó khăn về mặt bằng thi công. 6 mũi thi công đường cũng gặp khó khăn vì nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, nhất là tại các khu vực giải tỏa đồi núi để lấy đất san lấp, đắp nền đường ở vùng thấp.

Được biết, toàn tuyến có 1.513 hồ sơ giải tỏa (với tổng diện tích 98,37ha), nhưng đến nay mới chỉ có 528 hồ sơ giải tỏa về đất nông nghiệp và đất rừng (với tổng diện tích 33,19ha) đã được bàn giao mặt bằng. Việc chậm giải phóng mặt bằng là do vướng mắc về xây dựng khu tái định cư cho các hộ có đất ở mặt tiền quốc lộ 14B và chưa xây dựng các khu tái định cư ở xã Hòa Khương, Hòa Phong, Hòa Phú; chênh lệch giá đất nông nghiệp ở 2 xã miền núi Hòa Phú, Hòa Ninh so với các xã đồng bằng…

Khu vực thi công cầu vượt quốc lộ 14B.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, việc thi công tuyến đường vành đai phía tây đang gặp nhiều khó khăn về mặt bằng thi công do chưa được Ban giải phóng mặt bằng huyện Hòa Vang bàn giao cho nhà thầu. Đặc biệt là tại các vị trí thi công cầu, các hộ dân cản trở không cho nhà thầu triển khai thi công. Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị chức năng để sớm giải quyết các vướng mắc, để có mặt bằng cho nhà thầu thi công”.

Về phía chính quyền địa phương, ông Đặng Thương nói: “Các vướng mắc về mặt bằng chủ yếu là thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố. Chúng tôi mong thành phố triển khai đầu tư xây dựng các khu tái định cư sớm. Còn huyện đang tập trung giải phóng mặt bằng ở các khu đất nông nghiệp, lâm nghiệp và không có nhà cửa; đồng thời, tập trung xử lý các vướng mắc về mặt bằng để thi công các cầu, cống”.

Công trình có chiều dài 19,1km, làn đường hai bên rộng 7,5m, dải phân cách giữa đường rộng 15m, vỉa hè mỗi bên rộng 5,5m với vận tốc thiết kế 60km/giờ, mặt đường cấp cao A1 bằng bê-tông nhựa chặt rải nóng, thiết kế thoát lũ qua cống và cầu đều có tần suất 1% (lũ lớn nhất trong 100 năm)…Trong đó, có 2 cầu vượt qua quốc lộ 14B và đường ĐT.602, 2 cầu qua sông là Lâm Viên và Hội Phước. Công trình có tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 là 1.134 tỷ đồng, thực hiện trong 26 tháng và do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án, Liên danh Tổng Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1 và Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn thi công, khởi công vào tháng 10-2018 và dự kiến hoàn thành vào tháng 12-2020.

Nguồn: Báo Đà Nẵng

Thông Tin Liên Hệ:

Ms. ĐẶNG THANH THIỆN – QUẢN LÝ DỰ ÁN

Post by alodatdanang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.