Theo ông Lim Jock Hoi, Tổng Thư ký ASEAN, mặc dù nền kinh tế có những bất ổn nhất định, chính phủ các quốc gia cần lập kế hoạch để có thể khởi động thuận lợi trong hành trình phục hồi sắp tới.

Bước vào quý III, người dân đã dần thích nghi với việc sống chung cùng dịch bệnh. Các quốc gia trên thế giới nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng đang ngày càng quản lý tốt hơn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.

Ngoài những thiệt hại về sức khoẻ, đại dịch đã ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế. Triển vọng tăng trưởng khu vực Đông Nam Á tiếp tục được điều chỉnh xuống, từ tăng trưởng 1% hồi đầu giai đoạn đại dịch, xuống -2,7%, và bây giờ là -3,8%. Song, những dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế dần phục hồi trở lại và thương mại toàn cầu sẽ không bị ảnh hưởng nặng nề như dự báo.

Nhiều chuyên gia ước tính đến năm 2021, nền kinh tế sẽ được phục hồi. Tuy nhiên, sự phục hồi này có thể sẽ theo hình chữ ‘L’ hoặc hình dấu phẩy như logo của Nike. Để có thể phục hồi kinh tế hình chữ V, các quốc gia trong khu vực cần phối hợp để giải quyết các vấn đề hiện tại. Trong trường hợp xấu nhất, hàng triệu người dân sẽ đối mặt với nguy cơ tái nghèo, đảo ngược tiến độ phát triển trong những năm qua.

Bất chấp việc nền kinh tế có những bất ổn nhất định, ông Lim Jock Hoi cho rằng chính phủ các nước trong khu vực cần lập kế hoạch để có thể khởi động thuận lợi trong hành trình phục hồi sắp tới.

Rõ ràng là sẽ không có công thức chung cho việc phục hồi tất cả các nước. Để có thể lập kế hoạch phục hồi kinh tế hiệu quả, mỗi quốc gia cần áp dụng các giải pháp phù hợp, thiết thực, cùng sự chỉ đạo và hỗ trợ rõ ràng để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này.

Đối với khu vực Đông Nam Á, bước đầu tiên và quan trọng nhất đó là phát triển một khuôn khổ phục hồi toàn diện. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để phục hồi toàn diện? Theo đại diện ASEAN, các quốc gia trong khu vực cần đưa ra chiến lược trong 5 lĩnh vực ưu tiên sau:

Thứ nhất, Covid-19 là một cuộc khủng hoảng y tế. Do vậy, các quốc gia cần tập trung giải quyết các lỗ hổng và chênh lệch chính trong hệ thống y tế mà đã được phát hiện ra trong giai đoạn đại dịch. Đồng thời, cần tăng cường năng lực hệ thống y tế tại khu vực để ứng phó với các tình huống mới trong tương lai.

Thứ hai, các nỗ lực phục hồi cần đặt con người làm trọng tâm. Trên thực tế, trong giai đoạn khủng hoảng, chính những người dễ bị tổn thương nhất là những người chịu tác động nặng nề nhất. Trong số các doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tương tự đối với người lao động có thu nhập thấp và phi chính thức.

Theo đó, phục hồi kinh tế cần xem xét vào các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, đồng thời cân nhắc về vấn đề an ninh, từ an sinh xã hội, lương thực thực phẩm, giáo dục, việc làm, đến sức khoẻ.

Thứ ba, phát huy hết tiềm năng của thị trường nội địa. Đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp không thể quay trở lại hoạt động, người dân mất việc làm. Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại và đóng cửa biên giới cũng là rào cản cho thương mại và đầu tư toàn cầu.

Do vậy, các quốc gia cần giữ có nền kinh tế vĩ mô ổn định và duy trì tính thanh khoản tài chính. Ông Lim Jock Hoi nhận định: “Chỉ dỡ bỏ hàng rào thuế quan vẫn chưa đủ, cần tăng cường số hoá vào các lĩnh vực dịch vụ, thương mại và đầu tư”.

Bằng việc tận dụng khả năng cạnh tranh tập thể, ASEAN có thể trở thành nền kinh tế khu vực lớn mạnh hơn. Để làm được điều này, các nước cần cải thiện và nâng cấp việc áp dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có, cũng như đảm bảo việc ký kết sớm đối với Hiệp định Đối tác Toàn diện Kinh tế Khu vực (RCEP).

Thứ tư, đại dịch Covid-19 thúc đẩy số hóa trong mọi khía cạnh của đời sống. Do đó, các nước Đông Nam Á cần áp dụng số hoá trên diện rộng tại tất cả các lĩnh vực và theo các khía cạnh khác nhau, không chỉ trong nền kinh tế, mà còn cả cơ sở hạ tầng, thể chế và quy định, quy trình, khu vực công, các lĩnh vực xã hội như giáo dục và y tế cho tất cả các bên liên quan, các doanh nghiệp lớn và nhỏ, cư dân nông thôn và thành thị, thanh niên và người cao tuổi, ở mọi giới tính,…

Một số lĩnh vực hay một số bộ phận dân cư sẽ cần nhiều nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật hơn để có thể thích ứng cũng như tiếp cận với cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chất lượng, giá cả phải chăng.

Cuối cùng, Tổng thư ký ASEAN khẳng định, đại dịch Covid-19 là một hồi chuông cảnh tỉnh cho xã hội hiện đại. 

“Chúng ta không nên tiếp tục giữ cách chúng ta sản xuất, tiêu dùng, làm việc, vận chuyển và đi lại. Chúng ta cần sống hài hòa với hệ sinh thái rộng lớn hơn. Biến đổi khí hậu không còn là một mối đe dọa đơn thuần – đây là một cuộc khủng hoảng mà nhiều nước đã và đang phải gánh chịu”, ông Lim Jock Hoi cho biết.

Vì vậy, các quốc gia thành viên ASEAN cần cân nhắc về tính bền vững trong phục hồi nền kinh tế trên mọi lĩnh vực, từ năng lượng đến nông nghiệp, từ quản lý thiên tai đến tài chính 

Trong tất cả các chiến lược này, các chính phủ không thể thực hiện một mình. Các nỗ lực phục hồi của Covid-19 là một nỗ lực của toàn cộng đồng, kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác với tất cả các bên liên quan, bao gồm khu vực kinh doanh, xã hội dân sự, các đối tác phát triển và cộng đồng quốc tế.

Ông Lim Jock Hoi kết luận, phục hồi kinh tế không chỉ cần nỗ lực của chính phủ, mà còn từ cộng đồng, các bên liên quan bao gồm: khu vực kinh doanh, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác phát triển và cộng đồng quốc tế.

Nguồn: CafeF

Thông Tin Liên Hệ:

Ms. ĐẶNG THANH THIỆN – QUẢN LÝ DỰ ÁN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.