TS Võ Trí Hảo: ‘Người thu nhập thấp đô thị sẽ chịu tổn thương nhiều nhất nếu đánh thuế nhà đất’

 

– TS Võ Trí Hảo, Đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng việc đánh thuế nhà, đất như đề xuất của Bộ Tài chính không giúp đảm bảo công bằng xã hội. Thậm chí có thể nói rằng những người thu nhập thấp đô thị, những công chức nghèo về hưu sẽ là đối tượng bị chịu tổn thương nhiều nhất nếu đề xuất này thành hiện thực.

Tại dự thảo Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đã xây dựng phương án đánh thuế đối với nhà, đất. Theo đó, Bộ đề xuất đánh thuế đối với nhà ở có giá trị trên 700 triệu đồng với mức thuế suất 0,4%. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất đánh thuế phần đất ở với mức thuế suất tương tự (0,4%). Cả hai loại thuế này đều sẽ thu hàng năm và dự tính mang về cho Nhà nước 1,5 tỷ USD/năm.

Dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính hiện đang gây ra những luồng quan điểm trái chiều trong dư luận xã hội về tính hợp pháp, hợp lý và khả thi.

Để có một cái nhìn sâu về các đề xuất này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Võ Trí Hảo, Phó trưởng khoa Luật, Đại học Kinh tế TP. HCM:

Thuế nhà, đất là cần thiết

– Dưới góc độ chính sách công, ông cho rằng việc đánh thuế nhà, đất như hiện nay có cần thiết và hợp lý không?

TS Võ Trí Hảo: Tôi cho rằng thuế nhà đất vẫn là cần thiết vì đây là loại thuế giúp xã hội đạt được nhiều mục tiêu.

Mục tiêu thứ nhất là hạn chế đầu cơ bất động sản. Việc đánh thuế sẽ làm suy giảm lợi nhuận của những người găm đất, găm nhà chờ tăng giá, do đó số người “lướt sóng” nhà đất sẽ giảm đi. Người ta chỉ còn mua khi thực sự có nhu cầu sử dụng, nhu cầu ở. Còn nếu có “ôm”, người ta cũng sẽ không “ôm” nhiều như hiện nay nữa.

Mục tiêu thứ hai là giãn dân đô thị. Với biện pháp tăng thuế tài sản, Nhà nước không cần thực hiện các biện pháp giải tỏa, bồi thường, tái định cư tốn tiền, lắm khiếu nại như hiện nay . Bởi khi thuế đánh vào khu trung tâm (nơi có giá trị bất động sản lớn) tăng lên, giới đầu tư sẽ không còn chăm chăm đầu tư vào nội thành nữa. Như vậy chỉ cần qua 10 – 15 năm đánh thuế, dùng công cụ kinh tế, thay vì công cụ hành chính, xã hội sẽ đạt được mục đích giãn dân mà không cần tốn một đồng ngân sách nào.

Mục tiêu thứ ba là giúp giảm áp lực lên hạ tầng giao thông. Đường phố ở các đô thị lớn thường bị kẹt xe là do số lượng cửa hàng nhiều, vỉa hè bị chiếm dụng. Nếu tăng thuế đối với các tuyến phố này, người kinh doanh sẽ tự động dịch chuyển cửa hàng sang các khu vực có thuế thấp hơn. Như vậy, muốn kéo dân về đâu thì chỉ cần áp dụng thuế bất động sản thấp ở khu vực đó, còn ngược lại, muốn đẩy các cửa hàng, công ty ra khỏi khu vực nào thì chỉ đánh thuế cao lên thôi.

Mục tiêu thứ tư là tạo ra sự dịch chuyển của lao động tự do. Muốn chuyển dịch lao động tự do thì không nên theo đuổi mô hình người người sở hữu nhà. Hiện nay, mỗi người có thể có một công việc không còn phù hợp nhưng vì đã trót mua một căn nhà nào đó rồi thì người ta thường sẽ có tâm lý sẽ làm công việc đó và ở lại thành phố đó; không dịch chuyển sang nơi có việc làm phù hợp hơn. Nhưng nếu định hướng hỗ trợ tính lưu thông thị trường lao động thì công việc ở đâu sẽ thuê nhà ở đó. Nếu nhà cho thuê được áp dụng chính sách thuế riêng, thấp hơn nhà sở hữu thì người ta sẽ dịch chuyển sang việc thuê nhà. Như vậy việc đánh thuế sẽ làm tối ưu hóa nhu cầu sử dụng nhà, cũng như dịch chuyển lao động tự do hơn.

Tác dụng cuối cùng của thuế tài sản là thu hút dân cư một cách có chọn lọc. Ví dụ khu Manhattan của New York khi muốn trở thành nơi cư ngụ của các tỷ phú USD, họ đã đánh thuế bất động sản thật cao. Các tỷ phú USD không thiếu tiền đóng thuế, nhưng họ không muốn chịu cảnh sáng mở mắt ra đã thấy hàng xóm đánh vợ chửi con của khu ổ chuột. Tuy nhiên, chính quyền không thể nào buộc người có hành vi thiếu văn hóa ra khỏi nơi cư trú của họ, vậy thì chỉ còn cách là đánh thuế cao để chỉ giới tỷ phú có thể ở lại. Như vậy, xã hội sẽ tự khắc hình thành những khu dân cư thuần nhất.

Như thế, có thể thấy thuế tài sản (mà chính xác là thuế bất động sản) có vai trò lớn trong việc tái cơ cấu dân cư, đô thị, giao thông, nghề nghiệp; nó tái cấu trúc bằng các biện pháp kinh tế thay vì mệnh lệnh hành chính.

Ngưỡng không chịu thuế 700 triệu đồng là quá bất cập

– Quan điểm của ông về việc đánh thuế bất động sản như thế nào?

Tôi cho rằng nếu đánh thuế đối với căn nhà thứ nhất thì phải đánh ở ngưỡng giá trị rất cao, ví dụ từ 7 tỷ đồng ở đô thị trực thuộc trung ương . Còn nếu muốn chống đầu cơ thì phải đánh vào căn nhà thứ hai trở đi.

– Vậy việc Bộ Tài chính đề xuất ngưỡng không chịu thuế là 700 triệu đồng, ông có cho là hợp lý?

Tôi thấy đề xuất này rất bất ổn vì ngưỡng không chịu thuế đó quá bất cập với các thành phố trực thuộc trung ương. Tại các thành phố này, một căn nhà tối thiểu để ở cũng đã hơn 700 triệu đồng rồi. Với một ngưỡng quá thấp như vậy, hầu như ai có nhà cũng bị đánh thuế cả, trong khi họ không phải người giàu có gì. Có khi đó chỉ là một người về hưu, ngôi nhà đó là tài sản tích cóp cả đời của họ; lương hưu sống đã chật vật, nay trả thêm tiền thuế nữa họ càng khó khăn.

Cái thứ hai nữa là đề xuất đánh thuế này lại không tập trung vào những bất động sản thứ 2, thứ 3 mà đánh cào bằng giữa hành vi đầu cơ bất động sản và nhu cầu có một ngôi nhà để ở. Trong bối cảnh ở Việt Nam chưa phát triển thị trường nhà cho thuê, việc mỗi người sở hữu 1 căn nhà để ở là nhu cầu rất chính đáng, không nên đánh thuế vào nhu cầu đó.

Thứ 3 là đề xuất của Bộ Tài chính đang cào bằng giữa đô thị lớn với tỉnh lẻ, giữa quận lớn và quận bé, giữa quận và huyện. Ví dụ cùng tại TP. HCM, quận 1 khác rất xa với quận 12. Như vậy vấn đề ở đây là phải cá biệt hóa đối với từng thành phố, từng quận huyện, thậm chí đối với từng con phố (kỹ hơn nữa là giữa nhà mặt phố và nhà trong hẻm). Phải khu biệt cho rõ bởi việc cào bằng sẽ gây bất công rất lớn cho xã hội.

Cái sim thứ 2 còn xác định được, sao lại nói không xác định được căn nhà thứ 2?

– Chúng ta đã có thuế đất thu hàng năm, có tiền sử dụng đất thu một lần, giờ lại đóng thêm thuế đất, vậy có phải là thuế chồng thuế?

Trong trường hợp này đúng là ít nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thuế chồng thuế. Bản thân cái thuế đất này, theo tôi cũng không phù hợp lắm, vì nó tách biệt đất và nhà trên đất.

Đối với khu vực đã đô thị hóa ổn định, nếu chỉ đánh thuế đất thì dựa vào căn cứ nào để xác định giá đất? Dựa vào bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành thì không hợp lý. Nó phải dựa vào giá trị giao dịch thực tế trên thị trường mới hợp lý. Nếu dựa vào giá trị giao dịch trên thị trường đã đô thị hóa ổn định thì đó là giao dịch cả đất lẫn nhà chứ có ai tách ra trong hợp đồng đất từng này, nhà từng này đâu. Cho nên ở các nước khác, người ta gọi là thuế bất động sản. Khi anh chưa có nhà, bất động sản đó chính là đất, khi anh có nhà thì bất động sản tính gộp 2 thứ. Còn nếu tách thì vô cùng khó và phần thiệt thuộc về ngân sách & dễ phát sinh tiêu cực hơn.

– Bộ Tài chính chọn tính theo bảng giá đất, vì cho rằng xác định giá thị trường rất khó khăn và nhiêu khê…

Đó là họ không muốn làm thôi. Muốn thu tiền từ dân thì có cực khó cũng phải làm cho nó minh bạch, công bằng. Bây giờ tại sao một người có cái sim điện thoại thứ 2 anh cũng xác định được mà lại nói bất động sản thứ 2 không xác định được. Cái chuyện đó là ngụy biện. Tất cả các giao dịch bất động sản bây giờ, luật quy định là phải công chứng, phải đăng ký thông tin tại các trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm. Tôi không tin không xác định được. Người dân cũng không tin chuyện đấy đâu.

– Dự luật lần này nhấn mạnh rằng mục tiêu đánh thuế là “điều tiết một phần nhỏ thu nhập của tổ chức, cá nhân có nhiều tài sản nhà, đất, góp phần đảm bảo công bằng xã hội”. Với mức đánh thuế như trên, ông có cho rằng sẽ đảm bảo công bằng xã hội?

Tôi cho là không đảm bảo được. Thậm chí có thể nói rằng, những người thu nhập thấp đô thị; những công chức nghèo về hưu, sẽ là đối tượng bị chịu tổn thương nhiều nhất nếu đề xuất này thành hiện thực.

– Vậy với những gì đã phân tích, ông cho rằng việc đánh thuế này có khả thi?

Theo tôi là chưa khả thi vì nó chưa làm rõ được những ưu điểm của thuế bất động sản. Cần phải điều chỉnh lại, làm rõ những mục tiêu chính của sắc thuế; chứng minh sắc thuế đặt được mục tiêu đó; chứng minh không có phương pháp nào đạt được mục tiêu an toàn hơn, ít rủi ro hơn; chứng minh các hiệu ứng phụ của sắc thuế không đáng kể so với lợi ích chính mà sắc thuế sẽ đạt được.

Nên bàn thông lệ quốc tế về tiêu tiền trước khi dẫn thông lệ quốc tế về thu tiền

– Ông có nhận định gì về chính sách tài chính đất đai của chúng ta hiện nay?

Tôi cho rằng chính sách hai giá: giá nộp thuế & giá đề bù (giá thị trường) quá chênh lệch gây thiệt hại cho ngân sách; và đằng sau đó là bất công cho người dân. Khi kê khai thuế đất thì bắt tay định giá 2 đồng; khi đền bù thì thỏa thuận định giá 200 đồng, là không quân tử.

– Trong khoảng hơn 1 năm trở lại đây, Bộ Tài chính đã liên tục đưa ra đề xuất đánh thuế đối với bất động sản như: thuế ngôi nhà thứ 2, thuế chuyển quyền sử dụng đất và bây giờ là thuế nhà và đất. Ông có bình luận gì về việc Bộ Tài chính liên tiếp có những đề xuất như vậy? 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cắt giảm thuế quan, thuế nhập khẩu về 0 đối với một số khu vực, nguồn thu ngân sách bị suy giảm; dầu mỏ xuống giá; tài nguyên khoáng sản cơ bản đã bán gần hết; đất trống, tài nguyên công để thực hiện các dự án BT, BOT ngày càng cạn kiệt; mà chi ngân sách có tiết kiệm nhưng chưa tiết kiệm được bao nhiêu… thì việc các cơ quan chức năng phải nỗ lực tăng thu từ các nguồn thuế, phí khác, trong đó có thuế, phí mới cũng là chuyện có thể hiểu được

– Các đề xuất trên khi được công bố đều tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản, ông có cho rằng các doanh nghiệp của chúng ta đang sống trong một thời đầy rủi ro về chính sách không?

Sẽ tác động tiêu cực tới lợi nhuận của ngành kinh doanh bất động sản. Các nhà đầu tư sẽ phải điều chỉnh, tìm hướng đầu tư, tìm ngành công nghiệp mới để rót vốn. Bất cứ chính sách nào thay đổi một cách đột ngột, khó lường đều gây ra rủi ro chính sách cho doanh nghiệp. Đây là điều mà doanh nghiệp kinh doanh ở Việt Nam nói chung phải gánh chịu khi hệ thống pháp luật chưa ổn định, thiếu nhất quán, thiếu triết lý xuyên suốt.

– Ông cho rằng việc mở rộng cơ sở thu thuế (mà nói thẳng ra là tận thu) có phải là một lối thoát cho ngân sách hiện nay? Và quan điểm của ông về bài toán ngân sách như thế nào?

Chúng ta nên nhìn nhận vấn đề rộng hơn một chút. Thu để làm gì? Nếu thu để ngân sách có tiền rót vốn vào Vinashin, Vinalines, Ocean Bank thì tuyệt đối không nên thu, bởi nó sẽ cổ vũ cho điều xấu xa.

Nếu tăng thu thuế chỉ cốt để cung cấp trụ sở, nuôi biên chế, chi phí hoạt động một bộ máy cồng kềnh không tham gia cung cấp dịch vụ công cho người dân như các hội đoàn hiện nay thì hội đoàn sẽ ỷ lại, mà doanh nghiệp thì còng lưng.

Nếu tăng thuế để có ngân sách để rồi thất thoát lãng phí thì người dân sẽ không phục.

Vì vậy trước khi yêu cầu người dân, giống như “cổ đông” góp thêm vốn, thì phải chứng minh rằng phúc lợi trong tương lai của họ, con cháu họ phải tăng lên theo cấp số nhân, phải “có lãi”.

Vì vậy, nên chứng minh một chính phủ liêm chính, đẩy mạnh chống tham nhũng, bít các khe hở thất thoát ngân sách; chứng minh đường đi của đông tiền thuế từ túi người dân đến bệnh viện, trường học, cây cầu, con đường, đến tấm áo người lính, khẩu phần ăn của cháu mẫu giáo thế nào một cách minh bạch, chi tiết thì người dân, doanh nghiệp sẽ sẵn lòng.

Và vì vậy, trước khi nói về thông lệ quốc tế thu tiền (thuế, phí) thế nào thì nên bàn thông lệ quốc tế tiêu tiền thế nào đã. Nếu tiêu tiền đã không chấp nhận thông lệ quốc tế, khư khư bám lấy câu cửa miệng “đặc thù Việt Nam” nuôi một bộ máy cồng kềnh chẳng giống ai, mà thu tiền từ dân lại ngụy biện trích dẫn thông lệ quốc tế thì thật không quân tử.

Nguồn: Viet Nam Finance

 

Thông Tin Liên Hệ:

Ms. ĐẶNG THANH THIỆN – QUẢN LÝ DỰ ÁN

 

 

 

Post by alodatdanang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.