Theo Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, căn hộ khách sạn (condotel) là loại hình mới và hiện chưa dự án nào có sổ hồng.

Tại tọa đàm “Thị trường condotel và nỗi lo thừa cung” vừa diễn ra, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phú Quý Land cho rằng, thị trường condotel (căn hộ khách sạn) của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng khi đặt so sánh trong tương quan với nước láng giềng Thái Lan. Ông cho biết, quốc gia này có 70 triệu người nhưng năm 2016 đón tới 35 triệu khách. Số lượng phòng tại Pattaya có 100.000 phòng nhưng luôn lấp đầy 90%.

“Việt Nam có nhiều địa danh đẹp. Gần đây tôi sang Singapore thì thấy nhiều lái xe taxi ở đó cũng biết tới Vịnh Hạ Long, TP HCM…”, ông dẫn chứng và cho rằng chưa đáng lo về tình trạng thừa cung condotel. Cũng theo ông, nếu có chính sách phát triển tốt thì sản phẩm này không chỉ thúc đẩy ngành du lịch mà còn cả bất động sản, ví dụ như chính sách mở cửa cho người nước ngoài mua condotel.

Tuy không lo ngại về tình trạng thừa cung, song ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho hay, điều khiến nhiều người băn khoăn nhất và cũng có thể thành rủi ro với nhà đầu tư thứ cấp là tính pháp lý đối với condotel vẫn còn chông chênh, chưa được hoàn thiện.

Theo ông, hiện các bộ luật đều vướng khi phát triển hoàn thiện sản phẩm condotel theo đúng nghĩa và bắt đầu bộc lộ những vấn đề về cơ sở cấp quyền sở hữu cho các căn hộ, việc quản lý, phát triển dịch vụ…

“Ngoài ra, vấn đề cam kết lợi nhuận, phân chia lợi nhuận của các chủ đầu tư với khách hàng cũng cần được đặt ra. Các nhà đầu tư hiện nay nhiều nhất là cam kết trong giới hạn tối đa 10 năm, còn sau đó kịch bản sẽ như thế nào chưa ai biết được”, ông Thành nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cơ quan quản lý cần hoàn thiện hơn khung pháp lý của condotel. Ảnh minh họa

Về vấn đề này, ông Phạm Văn Thường – Trưởng phòng Quản lý Bất động sản – Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng chia sẻ, nếu với tư cách nhà đầu tư thứ cấp, ông cũng rất lo ngại.

“Tôi không nói không tin tưởng cam kết chủ đầu tư, nhưng một loại hình bất động sản chỉ dựa vào cam kết của chủ đầu tư thì sau này sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. Tôi cho rằng, khách hàng trong trường hợp này là yếu thế hơn chủ đầu tư, hợp đồng do chủ đầu tư soạn chứ có phải là thoả thuận đâu. Theo tôi, việc cam kết phải do nhà nước quản lý thì chủ đầu tư mới không chạy đi đâu được”, vị đại diện cơ quan quản lý nêu quan điểm cá nhân.

Ông Thường cũng cho rằng, hiện nhiều chủ đầu tư cam kết rất mạnh như mua một biệt thự, lợi nhuận 10% một năm. Điều đó có nghĩa là 10 năm sau không phải làm gì cũng có thêm một căn biệt thự nữa. “Nghe thì thấy rất đơn giản nhưng thực tế phải 10 năm sau mới là câu chuyện. Nhiều chủ đầu tư giải thích đến lúc đó sẽ có luật pháp, nhưng chúng ta cũng phải đặt vấn đề này sớm”, ông Thường cho hay.

Đồng tình với quan điển này, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM, hiện nay, gánh nặng rủi ro đang bị đẩy cho nhà đầu tư thứ cấp. Trong khi đó, theo ông Châu, hiện giá bán nhiều condotel tương đương với các căn hộ cao cấp ở TP HCM dù vị trí ven biển. Vì thế, cơ quan quản lý cần phải có khung pháp lý, biện pháp bảo đảm chủ đầu tư thực hiện lời hứa đảm bảo lãi suất 8-12% một năm.

Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) còn cho rằng, nếu chủ đầu tư gặp khó khăn, giảm giá trị thương hiệu thì cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị tài sản của người mua. Đó là chưa kể những chủ đầu tư rời bỏ cuộc chơi.

“Nếu đề xuất thu thuế bất động sản thứ 2 được thông qua thì nhà đầu tư thứ cấp còn chịu rủi ro hơn bởi có thể dẫn đến tình trạng lãi nhiều khi không đủ bù cho nộp thuế”, ông Thành cho hay.

Trước nhiều ý kiến quan ngại về sự rủi ro của condotel, bà Hương Trần Kiều Dung – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC cho hay, hiện nay có nhiều khách sạn trên 10 năm vẫn hiệu quả. Tất nhiên trong quá trình hoạt động, condotel sẽ thường xuyên được bảo trì, nâng cấp.

“Giả sử, trong quá trình vận hành chủ đầu tư phá sản thì sẽ phải được chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác, cam kết các quyền lợi tối đa với nhà đầu tư. Do đó, sẽ không có chuyện có rủi ro về tài sản, khách hàng vẫn được đảm bảo về vốn, lãi suất tốt hàng năm”, bà Dung nói.

Bên cạnh đó, các chuyên gia tại hội thảo còn lo ngại vấn đề cấp sổ, pháp lý cho condotel. Ông Lê Hoàng Châu cho biết, hiện Nghị quyết Trung ương cho phép cấp sổ đỏ cho các căn hộ khách sạn du lịch, nhưng không hình thành sổ hộ khẩu. Quyền sử dụng condotel rất lâu dài song theo Luật Đất đai hiện nay không đề cập đến loại hình này. Ông cũng cho biết, đơn vị này đã nhiều lần gửi văn bản tới các cấp đề xuất sửa đổi các tính pháp lý của các condotel.

Ông Phạm Văn Thường thì lý giải, condotel là loại hình bất động sản mới và các Luật chưa quy định cụ thể, chứ chưa phải không có. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, hiện chưa dự án condotel nào có sổ hồng.

Theo ông, hiện Thủ tướng cũng giao cho 3 bộ là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính chuẩn bị khung pháp lý cho loại hình bất động sản này. Ông cũng nhấn mạnh về nguyên lý thì doanh nghiệp được làm những gì pháp luật không cấm.

 

Nguồn: VNExpress

Thông Tin Liên Hệ

QLDA: Ms. Đặng Thanh Thiện

Mobile: 098.144.68.35 – 033.961.4963

Email: alodatdanang43@gmail.com

Website: [Click] GAIA CITY

Youtube: [Click] Khu Đô Thị GAIA

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.